Tomas Mier thuộc thế hệ đầu tiên hoàn thành đại học của Gen Z (1996). Giống như bao bạn trẻ đồng trang lứa, Mier có những kế hoạch lớn trong kỳ học cuối cùng tại ĐH Nam California (USC): hoàn thành kỳ thực tập, đạt điểm cao, và được bước lên bục nhận bằng tốt nghiệp trong sự chứng kiến của gia đình - vốn là những người nhập cư từ Mexico.
Thế rồi đại dịch Covid-19 bỗng xuất hiện, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Giảng đường, lớp học lẫn công việc, tất cả chuyển sang hình thức trực tuyến. Trường USC cũng đã hủy lễ tốt nghiệp dành cho sinh viên năm cuối.
Nhưng tất cả những điều đó vẫn chưa là gì, nếu so với tương lai u ám đang chờ họ phía trước. Mier và thế hệ Z sẽ chẳng có thời gian để nuối tiếc cho kỳ học cuối đời sinh viên, bởi đợt suy thoái kinh tế sắp tới có thể khiến sự nghiệp của họ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đại dịch có thể khiến số phận của họ giống hệt như Thế hệ Y (Millennials) - những người đã phải trưởng thành vào đúng giai đoạn suy thoái tài chính 2007 - 2010, để rồi cơ hội thăng tiến, phát triển trong sự nghiệp cũng như khả năng làm giàu trở nên cực kỳ khó khăn.
Tốt nghiệp ư? Chẳng là gì so với những thứ sẽ chờ đợi Thế hệ Z phía trước
Khủng hoảng từ trước khi đại dịch chấm dứt
Nhiều chuyên gia đánh giá rằng, thế hệ cảm nhận rõ nhất hệ quả của quá trình suy thoái kinh tế chính là Gen Z - thế hệ có những sinh viên sắp tốt nghiệp trong năm nay. Theo ghi nhận của Business Insider, một số người thuộc thế hệ đầu tiên của Gen Z đã phải bỏ lỡ những buổi phỏng vấn xin việc, bị hủy kỳ thực tập sau khi chính sách "cách ly xã hội" được ban hành.
Hiện tại vẫn chưa thể biết toàn bộ hệ quả của đại dịch Covid-19 đến thị trường lao động ra sao, nhưng thực tế cho thấy nhiều người đã rơi vào cảnh thất nghiệp. Với những ai may mắn giữ được công việc, họ chứng kiến sự chuyển dịch mọi thứ - công việc, giảng dạy, thực tập... sang hình thức trực tuyến, và điều này mang đến cả lợi thế lẫn thách thức.
Về mặt tích cực, làm việc từ xa cho phép các công ty linh hoạt hơn trong việc tuyển dụng, tạo cơ hội cho những người không thể chuyển chỗ ở đến các thành phố lớn, và với những ai vốn nằm ở ngoài rìa thị trường lao động. Business Insider ghi nhận nhiều công ty bắt đầu nhận ra nhân viên vẫn có thể hoàn thành công việc dù không lên văn phòng. Và bởi vậy, tình cảnh "cách ly xã hội" thực chất có tiềm năng tạo ra 15 triệu việc làm trong thập niên kế tiếp.
Nhưng làm việc từ xa thực ra không dành cho tất cả mọi người, và nó cũng mang đến nhiều mặt trái. Một số người không có điều kiện tiếp cận thường xuyên với công nghệ, cũng như môi trường làm việc đủ an toàn. Nâtlia Lusinski - phóng viên Business Insider cho biết có rất nhiều thách thức đặc thù khi làm việc tại nhà, như khó khăn về công nghệ, làm việc thiếu giờ, và không có sự tương tác giữa người với người, dễ gây cảm giác cô đơn.
Và quan trọng nhất là ngay cả những công việc từ xa cũng không mang lại điều gì đảm bảo cho tương lai, nhất là trong bối cảnh hiện tại. Theo giám đốc ngân hàng UBS Hoa Kỳ - chuyên gia kinh tế Seth Carpenter thì nếu suy thoái xảy ra, nhiều người sẽ bắt đầu tập trung tiết kiệm và trả nợ, thay vì chi tiêu. Điều này sẽ giáng đòn mạnh vào các thương hiệu bán lẻ, trong đó có nhiều nơi sẽ thuê người lao động thuộc Thế hệ Z.
Một thế hệ chịu tổn thương nhiều hơn
Taylor Nicole Rogers - phóng viên của Business Insider ghi nhận rằng Thế hệ Z đang chứng kiến ảnh hưởng không đều, nếu so với các thế hệ khác khi đại dịch nổ ra.
Theo khảo sát, có ít nhất 30% lao động trong Gen Z thuộc diện bị cắt giảm nhân sự. Trong khi đó, tỉ lệ ảnh hưởng với lao động thế hệ trước - từ 35 đến 54 tuổi chỉ là 13%.
Những người trẻ mất việc thường là lao động trong ngành bán lẻ hoặc khách sạn - nhóm ngành nghề chịu ảnh hưởng quá nhiều vì dịch bệnh. Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn nhà hàng, khách sạn, cửa hiệu, quán cafe... tại Mỹ đã phải đóng cửa, sau khi chính phủ ra lệnh "cách ly xã hội" và yêu cầu các dịch vụ "không thiết yếu" dừng hoạt động.
Sàn chứng khoán "đỏ lửa"
Tuần đầu tiên của tháng 3, Mỹ ghi nhận 1,7 triệu lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Sau đó 2 tuần, ngày 21/3, con số tăng lên 3,3 triệu người, và con số tiếp tục tăng lên vào tuần sau đó. Đây là những con số tồi tệ nhất kể từ năm 1982 - thời điểm có tới 700.000 lao động xin trợ cấp. Thậm chí cơn khủng hoảng tài chính năm 2008 cũng chỉ khiến 800.000 người mất việc mà thôi.
Số người thất nghiệp tăng lên trái ngược hẳn với xu hướng tuyển dụng trên thế giới. Số liệu từ LinkedIn cho thấy, tỷ lệ tuyển lao động giảm liên tục tại Trung Quốc, Ý và Mỹ kể từ những ngày đầu tháng 2/2020.
Trung Quốc là nơi ghi nhận tỉ lệ tuyển dụng sụt giảm mạnh nhất trong thời kỳ dịch bùng phát cao điểm, nhưng cũng đã tăng dần sau khi kìm hãm được dịch bệnh. Ý thì khác, thị trường lao động của họ tuột dốc từ đầu tháng 3/2020, và đến giờ vẫn không thấy "ngóc" được lên trong bối cảnh đất nước bị áp đảo vì virus corona. Mỹ cũng đang trong tình cảnh tương tự, với xu hướng tuyển dụng giảm cực mạnh.
Nghiên cứu từ Millenials: Thế hệ bắt đầu sự nghiệp trong thời kỳ suy thoái sẽ bị hủy hoại nặng nề
Một nghiên cứu từ ĐH Stanford vào tháng 4/2019 chỉ ra rằng, những sinh Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog viên tốt nghiệp và bắt đầu sự nghiệp sau thời kỳ suy thoái kinh tế sẽ phải đối mặt với tỉ lệ thất nghiệp cao, mức lương khởi điểm thấp, cùng cơ hội thăng tiến bị đình trệ. Tốc độ "làm giàu" của họ sẽ chậm lại, ít nhất từ 10 - 15 năm.
Và với đại dịch Covid-19 lần này, sinh viên năm cuối cũng đang dần cảm nhận được điều đó.
"Nỗi lo tìm kiếm việc làm luôn ở đó. Nhưng khi đại dịch nổ ra, nó phải nhân lên gấp chục lần," - Matthew Phillips, sinh viên năm cuối trường USC chia sẻ.
"Chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Có quá nhiều thứ chưa biết về tương lai sau khi tốt nghiệp vốn bình thường đã rất mù mờ rồi."
Sarah Nehemial là sinh viên mới tốt nghiệp và đang tận dụng 1 năm nghỉ ngơi (gap year) tại New York trước khi học tiếp ngành luật. Cô chia sẻ, ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế đối với thế hệ mình là "không thể đoán định", và có thể khiến sự nghiệp của cô trở nên "thê thảm". Bởi vậy, Nehemiah gần như chắc chắn sẽ vào trường luật, vì nó đảm bảo tương lai ổn định hơn trên thị trường lao động.
"Tôi không còn dư thời gian để nghiền ngẫm về tương lai nữa," - Nehemiah cho biết. "Vài người bạn của tôi vừa tốt nghiệp, và họ hoàn toàn không thể cạnh tranh trên thị trường lao động. Một người đã thực tập ở cùng một công ty trong 4 năm với lời hứa lên chính thức, và khi đại dịch xảy ra thì họ cũng quay lưng. Người kia tốt nghiệp ĐH Fulbright nhưng cơ hội việc làm cũng không có - thực sự không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra trong thời kỳ suy thoái kinh tế."
Sarah Nehemiah và Tomas Mier (phải)
Tomas Mier - sinh viên sắp tốt nghiệp của USC cũng nhận định tình hình kinh tế đang thực sự đáng lo.
"Những người như chúng tôi đến từ các gia đình thu nhập thấp, có rất nhiều kỳ vọng sau khi tốt nghiệp. Chúng tôi mong kiếm được nhiều tiền về để trợ giúp gia đình,"
- Mier cho biết.
"Nhưng tôi biết giờ đây, tương lai ấy đang trở nên hết sức khó khăn."
"Cha mẹ đã hi sinh cho tôi rất nhiều khi đến Mỹ," - Mier, vốn xuất thân là gia đình nhập cư người Mexico, cho biết. "Tôi đã rất háo hức được cùng họ dự lễ tốt nghiệp vào tháng 5 tới."
Phillips và Mier là 2 trong số hàng ngàn sinh viên khác tại Mỹ đang "kỷ niệm" năm cuối của mình bằng lệnh "cách ly xã hội" và học online tại nhà. Lễ tốt nghiệp với họ giờ đây gần như chắc chắn sẽ không được tổ chức nữa.
Vào đời khi ảnh hưởng từ khủng hoảng trước chưa qua, suy thoái mới đã đến
Đây là tình trạng thực sự đang xảy ra với thế hệ Z. Họ trưởng thành vào thời điểm thế giới vẫn đang giải quyết ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007, và tình trạng bất bình đẳng gia tăng.
Phóng viên Business Insider - Hillary Hoffower từng ghi nhận, Thế hệ Y tốt nghiệp trong giai đoạn Đại suy thoái hiện vẫn phải giải quyết hậu quả từ cơn khủng hoảng ấy - chủ yếu do gánh nặng từ các khoản nợ sinh viên (student debt - còn gọi là vay tiền đi học) cùng chi phí sinh hoạt tăng phi mã. Các Millenials được đánh giá sẽ có khả năng tài chính thấp hơn rất nhiều so với thế hệ đi trước - vốn trưởng thành vào thời điểm thịnh vượng nhất của nền kinh tế.
Hoffower ghi nhận, 62% cử nhân đại học từ 18 - 29 tuổi đều có gánh nặng từ "nợ sinh viên". Trong khi đó thế hệ X - hiện tại trong độ tuổi 45 - 59 - chỉ có khoảng 48% là như vậy. Năm 2019, các khoản nợ sinh viên tổng cộng lên tới... 1,5 nghìn tỉ USD. Học phí thì tăng gấp đôi kể từ thập niên 1980, trong khi thu nhập trung bình của người trẻ chỉ tăng khoảng... $29 so với năm 1974. Và nếu điều chỉnh theo tỉ lệ lạm phát, con số ấy không thể theo kịp mức tăng trong chi phí sinh hoạt.
Nhiều người thuộc thế hệ Millennials chia sẻ, họ thậm chí còn không đủ tiền để trả tiền nhà, bởi vẫn còn phải trả nợ sinh viên. Bi kịch thay, thế hệ Z nhiều khả năng cũng phải đi vào vết xe đổ ấy, bởi rất nhiều người trong số họ đang có tình cảnh giống hệt như thế hệ Y trước khi thời kỳ suy thoái nổ ra. Mà thậm chí, mọi chuyện còn tệ hơn.
Nếu thế hệ Z cũng tốt nghiệp trong thời kỳ suy thoái, sẽ có thêm rất nhiều gánh nặng mà họ phải đối mặt. Bởi lẽ, các chuyên gia kinh tế dự đoán rằng đợt suy thoái lần này nếu xảy ra, tốc độ phục hồi sẽ không thể nhanh như thời điểm năm 2008. Và nếu tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng lên, quá trình phục hồi sẽ càng chậm lại.
"Tôi đã từng rất lạc quan về cơ hội việc làm, nhưng giờ thì hơi căng thẳng. Những người bạn sắp tốt nghiệp kỳ này còn đáng lo hơn," - Maya Tribitt, sinh viên đang 'gap year' để thực tập tại New York cho biết.
"Đây là kỳ nghỉ hè cuối cùng trước khi tốt nghiệp, và tôi muốn có nhiều kinh nghiệm nhất có thể. Tôi viết thư giới thiệu gần như mỗi ngày, nhưng mỗi lần vào ứng dụng xin thực tập, các vị trí đều đã biến mất."
Theo New York Times ghi nhận, các vị trí tuyển dụng đã giảm ít nhất 30% so với cùng kỳ năm trước. "Tôi hơi sợ rằng mình sẽ giống như những người tốt nghiệp vào năm 2008," - Tribitt tiếp tục. "Phần lớn nỗi sợ về chuyện phải có việc ngay sau khi rời đại học chủ yếu đến từ cơn ác mộng mà thế hệ 10 năm trước đã trải qua. Tôi thực sự sợ khi cơn ác mộng ấy lại trở thành thực tế đối với chúng tôi."
Tham khảo: Business Insider
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét